Ôm di ảnh đứa em đứng cạnh quan tài mẹ, bé Thạch Thị Ngọc Giàu, 7 tuổi khóc lóc thảm thiết. Bé chỉ biết gào lên: “Mẹ chết rồi ai đưa con đi học, con muốn mẹ, muốn em…”. Chỉ trong thời gian ngắn bé đã mất đi 3 người thân yêu của mình.
Ngày 8/5, bé Ngọc Giàu được bà nội chở bằng xe đạp từ xã Phước Hảo sang xã Mỹ Chánh (Châu Thành, Trà Vinh) giáp ranh để đến đám tang ông ngoại và đứa em mới 3 tháng tuổi tử vong trong vụ tai nạn giao thông thảm khốc tại cầu Ba Se (Càng Long, Trà Vinh).
Hai bà cháu vừa đến nơi, bé Ngọc Giàu chạy lại quan tài ông và đứa em mình khóc lóc thảm thiết. Khi đó, mẹ bé là bà Kim Thị Thanh Xuân vẫn đang nguy kịch tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh).
Bé Ngọc Giàu ôm di ảnh của đứa em trai khóc nức nở trong đám tang của mẹ
Đến ngày 13/5, đám tang bà Xuân càng buồn hơn, hai cha con ôm nhau khóc khiến những người đến chia buồn không cầm được nước mắt. Mấy ngày qua, ai hỏi gì bé Ngọc Giàu cũng khóc, cũng đòi mẹ và nói nhớ em.
Giấy khen của cháu Ngọc Giàu từ lúc học mẫu giáo
Ôm di ảnh đứa em trai mới 3 tháng tuổi đứng cạnh quan tài mẹ, hai hàng nước mắt bé Ngọc Giàu tuôn chảy, bé chỉ thốt lên: “Mẹ chết rồi ai đưa con đi học? Con chỉ muốn mẹ, muốn em…”. Còn ông Thạch Mới, chồng bà Xuân như chết lặng, uất ức nói không nên lời.
Ông Mới cùng đứa con gái bên quan tài vợ
Căn nhà nhỏ của ông Thạch Mới ngụ ấp Ô Kà Đa (Phước Hảo, Châu Thành, Trà Vinh) mấy ngày qua có rất nhiều bà con, hàng xóm đến chia buồn. Giọng ông Mới luôn đứt quãng vì uất ức, vì đột ngột mất đi vợ, con trong tức tưởi.
Ông Mới kể: “Ngày hôm đó đứa con trai mới 3 tháng tuổi bị bệnh nên phải nhờ cha vợ chở đi khám, lấy thuốc uống. Đang làm thuê ngoài đồng thì người nhà chạy lại báo tin cha vợ chết vì tai nạn giao thông. Tôi chạy đến hiện trường thì cha vợ và đứa con chết tại chỗ, vợ được người ta đưa vô bệnh viện cấp cứu”.
Suốt 5 ngày điều trị tại Bệnh viện đa khoa Trà Vinh rồi chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy, cuối cùng vợ ông cũng không qua khỏi.
Bé Giàu khóc thảm thiết khi người thân nhắc đến mẹ và em trai
Cả 2 vợ chồng ông Mới đều là người dân tộc Khmer, do nghèo khó nên suốt ngày chỉ đi làm thuê, làm mướn kiếm sống.
Ông Mới cho biết: “Tôi lấy vợ được gần 10 năm sinh bé gái năm nay 7 tuổi và bé trai chỉ 3 tháng tuổi. Do cha mẹ nghèo, không có đất nên khi ra riêng chỉ cho mảnh đất nhỏ cất căn nhà. Hàng ngày ai thuê gì tôi làm nấy còn vợ ở nhà chăm lo cho 2 đứa con”.
Ông Mới nghẹn ngào nói không nên lời
Mấy ngày qua, tội nghiệp nhất là bé Ngọc Giàu mới 7 tuổi mà đã nhận cú sốc quá lớn. Bà Sơn Thị Den, bà nội bé Ngọc Giàu cho biết: “Trưa hôm đó khi biết tin ông ngoại, mẹ và em trai gặp nạn cháu khóc đòi đến gặp mặt nhưng tôi không dám chở đến hiện trường. Suốt đêm cháu khóc lóc đòi đến đám tang ông ngoại và em. Bây giờ đến đám tang mẹ, cháu tiếp tục khóc nhiều hơn. Hàng ngày 2 đứa con đều không rời mẹ từ việc tắm rửa, ăn uống đến đưa rước đi học nên giờ chỉ nhắc đến mẹ, đến em là cháu không cầm được nước mắt…”.
Bé Ngọc Giàu khóc ngất trong đám tang ông ngoại và đứa em trai
Giọng nói đứt quãng vì tức tưởi của ông Mới và tiếng khóc xé lòng của đứa bé mới 7 tuổi khiến những người xung quanh rơi nước mắt khi đến dự đám tang của bà Xuân.
Câu chuyện ở đám tang chủ yếu xoay quanh đề tài tai nạn thảm khốc, những nông dân chất phát, nghèo khó rất tức giận chỉ vì chuyện tranh giành khách của 2 nhà xe mà gây ra bao cảnh tang tóc cho những người vô tội.
Nhiều người cám cảnh khi biết rằng tương lai của đứa bé 7 tuổi sẽ tiếp tục thêm nhiều bất hạnh khi không còn trong vòng tay thương yêu của mẹ.