Chồng bị tai nạn gần 4 tháng vẫn hôn mê trên giường bệnh, ở quê con 8 tháng tuổi khát sữa ngằn ngặt khóc. Không thể vay mượn ở đâu, trong cơn túng quẫn người vợ nghèo gạt nước mắt xin đưa chồng về.
Người đàn ông tội nghiệp rơi vào tình cảnh bi đát kể trên là anh Nguyễn Văn Tuyên, 38 tuổi (trú ở xã Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam).
Một ngày giữa tháng 6 oi ả, chúng tôi tìm đến khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Châm cứu Trung ương thăm người đàn ông bất hạnh này, sau khi nhận được lá đơn kêu cứu từ người vợ nghèo khó của anh.
.
Tự ngã xe máy, anh Tuyên bị chấn thương sọ não, xuất huyết dập não, đứt lìa tai, chấn thương cột sống cổ, gãy xương sườn.
Trên giường bệnh, người đàn ông trụ cột gia đình vốn khỏe mạnh, vạm vỡ giờ nằm bất động, cơ thể xơ xác, tiều tụy, trên người cắm đủ các loại ống truyền dịch, dây dẫn lưu…, và các bác sĩ phải mở khí quản để giúp anh hô hấp.
Ngồi bó gối bên chồng, chị Đào Thị Kim Thanh (37 tuổi) nghẹn ngào: “Gần 4 tháng nay, chồng em vẫn chưa nói với mẹ con em câu nào. Anh ấy mà có mệnh hệ gì thì 4 mẹ con em biết sống làm sao”, cảm xúc đau đớn trào dâng, khiến chị Thanh bật khóc nức nở.
Đưa tay gạt nước mắt, chị Thanh thổn thức: “Ngày 28/2, có người gọi nhà em đi bốc gạch thuê. Trời tối mịt vẫn chưa thấy anh ấy về, em linh cảm có chuyện chẳng lành. Đang định gửi bé út mới 4 tháng tuổi để đi tìm chồng em, thì người hàng xóm nhà em chạy vào báo anh ấy bị tai nạn.
Chạy ra đến nơi, thì em chẳng còn hồn vía gì nữa, chồng em nằm sõng soài, bất tỉnh giữa đường nhựa, cái xe máy thì văng vào vệ đường. Hôm ấy, có lẽ vì mệt và đói nên anh tự ngã xe máy đập đầu xuống đường, dẫn tới chấn thương sọ não, xuất huyết dập não, đứt lìa tai, chấn thương cột sống cổ, gãy xương sườn…”, người vợ tội nghiệp đau lòng nhớ lại.
Người đàn ông trụ cột gia đình vốn khỏe mạnh, vạm vỡ giờ nằm bất động, cơ thể xơ xác, tiều tụy.
Kể về hoàn cảnh gia đình, chị Thanh buồn rầu cho biết: Ruộng đất ít, nên chị Thanh xin làm công nhân thời vụ cho một công ty tư nhân ở gần nhà, sau khi sinh con thứ 3 chị xin nghỉ việc. Anh Tuyên ngoài việc canh tác trên 2 sào ruộng lúa được chia, thì ai thuê gì làm nấy, từ bốc vác, phụ hồ, phun thuốc sâu…
Để lo cho 5 miệng ăn, anh Tuyên dù có làm quần quật từ sáng sớm đến tối mịt, nhưng gia đình anh luôn sống trong cảnh “chạy ăn từng bữa”.
Tai họa bất ngờ giáng xuống lao động chính trong nhà, lập tức đẩy gia đình anh rơi vào cơn túng quẫn không lối thoát.
“Chồng em gặp nạn, trong nhà em không có một đồng nào. Để đưa anh ấy đi bệnh viện, có gì bán được em cũng đã bán, từ bao thóc giống cho tới đàn gà mới bóc trứng… Toàn bộ chi phí hơn 400 triệu đồng cho gần 4 tháng nay, là hoàn toàn đi vay. Bác sĩ bảo chồng em phải được tiếp tục chữa trị, gia đình em giờ không còn biết bấu víu vào đâu nữa… “, chỉ nói đến đó, chị Thanh lại ôm mặt khóc.
Sau gần 4 tháng chạy chữa tích cực, người bố 3 con này vẫn trong tình trạng nửa tỉnh, nửa mê.
“Theo nhà em đi bệnh viện, em phải cai sữa cho bé út lúc ấy mới được 4 tháng tuổi. Mỗi khi nghĩ đến thằng bé khát sữa khóc đòi mẹ, em lại không chịu đựng nổi… “, chị Thanh lại nức nở khi nói về đứa con 8 tháng tuổi đang gửi người thân ở quê nhà.
Là người trực tiếp vận động kinh phí giúp đỡ gia đình chị Thanh, bác sĩ Trương Tố Quyên, cán bộ phòng Công tác xã hội (CTXH) ái ngại chia sẻ:
“Được biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh Tuyên, phòng CTXH đã tìm mọi cách giúp đỡ: kêu gọi mạnh thường quân trợ giúp, hỗ trợ cơm từ thiện cho người nhà… Quá túng quẫn, đã có lần vợ bệnh nhân ngỏ ý cho xin cho chồng về nhà, bệnh viện đã phải động viên để bệnh nhân được ở lại tiếp tục chữa trị”.
.
Nghĩ về đứa con nhỏ khát sữa nơi quê nhà, chị Thanh lại bật khóc.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ Trần Ngọc Hà, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Châm cứu Trung ương cho biết: “Bệnh nhân Tuyên nhập viện trong tình trạng hôn mê do di chứng chấn thương sọ não, sốt cao do viêm phổi nặng, phải thở máy, sử dụng kháng sinh liều cao”.
Bác sĩ Hà cho biết thêm, sau quãng thời gian điều trị, bệnh nhân đã cai được máy thở, tình trạng viêm phổi được cải thiện, bắt đầu có nhận biết đau. Tuy nhiên bệnh nhân vẫn phải tiếp tục điều trị tích cực.
“Do bệnh nhân mắc viêm phổi đa kháng thuốc nên phải sử dụng các loại thuốc đắt tiền nằm ngoài Bảo hiểm y tế, chi phí lên tới 4 triệu đồng/ngày, với một gia đình thuần nông thực sự quá sức.
.
Gần 4 tháng cùng chồng “bệnh viện là nhà”, chị Thanh đã phải vay đến 400 triệu đồng. Kiệt quệ, túng quẫn…, đã có lúc người vợ này xin đưa chồng về nhà, chấp nhận sự nghiệt ngã của số phận!
Bệnh nhân vẫn còn hy vọng phục hồi nếu tiếp tục được điều trị tích cực, nên chúng tôi rất mong muốn bạn đọc Dân trí và các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ, cho bệnh nhân thêm cơ hội được sống trở về với gia đình”, bác sĩ Hà nói.