GS.TS Hoàng Văn Cường (Ủy viên Uỷ ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội) cho rằng, Nhà nước cho nhà đầu tư tư nhân vay thì phải kiểm soát xem luồng tiền ấy có đúng đi vào các công trình như chúng ta mong muốn hay không, không phải “cứ đưa tiền cho họ rồi mang tiền đấy đi làm bất kể ở đâu”.

Ngày 14/5, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed đã chính thức đăng ký đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Dự án có vốn đầu tư khoảng 1.562 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 61,35 tỷ USD), không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng.

Một trong những nội dung đáng chú ý là VinSpeed đề xuất chịu trách nhiệm thu xếp 20% tổng vốn đầu tư của dự án, tương đương 312,33 nghìn tỷ đồng (khoảng 12,27 tỷ USD). 80% số còn lại (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng), VinSpeed đề xuất vay vốn Nhà nước không tính lãi suất trong vòng 35 năm kể từ ngày giải ngân.

Trao đổi với báo chí về đề xuất này bên lề kỳ họp thứ 9, GS.TS Hoàng Văn Cường (Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội) cho rằng, trường hợp Nhà nước cho nhà đầu tư tư nhân vay thì phải có cơ chế kiểm soát luồng tiền này.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Chấp nhận “lời được hưởng, lỗ phải chịu”

Thưa đại biểu, trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp, việc một doanh nghiệp tư nhân đề xuất vay 80% vốn từ Nhà nước trong 35 năm và không trả lãi có được coi là một lựa chọn khả thi về mặt tài chính và pháp lý không?

– Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam mới được phê duyệt là dự án vừa có tác động thúc đẩy cho phát triển kinh tế giao lưu hàng hóa. Cùng với đó, thông qua đầu tư dự án đường sắt này thực hiện chủ trương nội địa hóa để phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước do chính người Việt Nam làm, do chính các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, các sản phẩm đó phải là sản phẩm của Việt Nam sản xuất là chính dựa trên cơ sở nhận chuyển giao công nghệ của nước ngoài. Đây là một trong những mục tiêu phải đạt đến khi đầu tư tuyến đường sắt này.

Do vậy, khi có nhà đầu tư trong nước sẵn sàng đăng ký để thực hiện đầu tư dự án là điều rất đáng được đánh giá cao. Bởi điều này đã góp phần vào thực hiện chủ trương nội địa hóa ngành công nghiệp đường sắt, đồng thời lan tỏa đến các ngành, các lĩnh vực khác.

Vấn đề quan trọng nhất, phải đúng nghĩa là đầu tư trong nước, phát triển ngành công nghiệp trong nước, chứ không phải nhà đầu tư trong nước đăng ký đầu tư nhưng lại đi nhập khẩu các sản phẩm, các cấu phần nước ngoài về và chỉ lắp ráp, gia công. Như vậy là không đạt được mục tiêu.

Do đó, cần phải quan tâm hơn việc nhà đầu tư đó có cam kết nội địa hóa hay không, có liên kết với các doanh nghiệp, nhà đầu tư khác trong nước để bắt tay vào sản xuất các cấu phần, phụ kiện, thiết bị dựa trên cơ sở công nghệ của nước ngoài. Tôi cho rằng, đấy là mục tiêu và điều kiện quan trọng nhất khi xem xét có chấp nhận cho nhà đầu tư trong nước thực hiện hay không.

Hiện nay, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) chỉ cho phép Nhà nước hỗ trợ tối đa 50% vốn cho một dự án. Theo đại biểu, đề xuất vượt khung như VinSpeed có cần một cơ chế đặc thù mới hay nên được xem xét như một ngoại lệ có điều kiện?

– Đầu tư đường sắt, trong trường hợp này không được coi là đầu tư theo đối tác công tư (PPP) mà ở đây chúng ta chấp nhận cho phép một nhà đầu tư trong nước thực hiện dự án này.

Khi doanh nghiệp đăng ký đầu tư tư nhân, tức là chấp nhận lời lãi thì người ta được hưởng, lỗ thì phải chịu.

Tất nhiên, phải có cơ chế, chính sách để nhà đầu tư không bị thiệt hại và phải luôn nghĩ đến việc đầu tư thành công. Từ đó, tạo ra nền tảng phát triển bền vững, đóng góp cho xã hội.

Đầu tư về hạ tầng giao thông nói chung và kể cả đường sắt là thuộc về lĩnh vực đầu tư công, phải bỏ tiền vốn đầu tư công ra để đầu tư. Nếu bây giờ không có một nhà đầu tư tư nhân nào đăng ký thì ngân sách bỏ ra đầu tư.

Thường thì đầu tư hạ tầng giao thông, kể cả đường sắt thì khả năng thu hồi vốn đầu tư ban đầu rất chậm, phần thu hồi chính là những tác động lan tỏa, tạo ra sự phát triển, mang lại lợi ích cho xã hội. Còn thu trực tiếp từ dự án đó mang lại nguồn ngân thì hầu như rất khó khăn.

Do vậy, việc nhà đầu tư tư nhân sẵn sàng bỏ vốn đầu tư thì cũng phải tính đến các phương án để họ thấy rằng Nhà nước có những chính sách để tạo ra nguồn lực cho nhà đầu tư.

Thực tế, hiện nay đang có cơ chế gọi là cơ chế đặt hàng. Nhà nước, thậm chí dùng ngân sách nhà nước bỏ ra đặt hàng cho các nhà đầu tư tư nhân để làm các công trình về hạ tầng, coi đấy như một phương án đặt hàng.

Còn trong trường hợp này, nhà đầu tư mong muốn phần vốn không phải là Nhà nước cấp, không theo hướng đặt hàng mà Nhà nước cho vay không thu lãi suất, tôi cho rằng cũng là một phương án tốt. Bởi, tiền đó không phải bỏ ra là không thu hồi về, chỉ có điều thời gian thu hồi của các dự án hạ tầng bao giờ cũng rất dài, lợi nhuận sẽ rất thấp. Vì vậy, đây cũng là một yếu tố cần phải tính đến.
Hình minh họa dự án đường sắt cao tốc trên thế giới.

“Kiểm soát xem tiền có vào đúng công trình hay không?”

Trong văn bản gửi Thủ tướng, VinSpeed đề xuất được tham gia đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam theo hình thức đầu tư trực tiếp, thay cho đầu tư công hoặc PPP. Nghĩa là VinSpeed sẽ đứng ra làm chủ đầu tư. Kinh nghiệm trên thế giới về vấn đề này thế nào, thưa ông?

– Đầu tư hạ tầng, bến cảng thì các nhà đầu tư tư nhân hoàn toàn có thể đầu tư nếu đủ tiềm lực. Tuy nhiên, đây là hạ tầng xương sống của quốc gia, cho nên dù là đầu tư tư nhân, tư nhân bỏ tiền ra thì vẫn phải tuân thủ các yêu cầu, quy định Nhà nước.

Ví dụ như doanh nghiệp tư nhân đầu tư thì phải dựa trên nguyên tắc, mục tiêu làm tuyến đường để phát triển ngành công nghiệp đường sắt, khi đầu tư xong thì việc khai thác, vận hành như thế nào. Rõ ràng cần phải có quan điểm, định hướng của Nhà nước trong nguyên tắc của nó.

Do đó, đầu tư tư nhân không có nghĩa rằng giao cho anh làm toàn bộ nhưng lại đầu tư như một nhà máy riêng. Đây là những công trình quan trọng quốc gia thì dù hình thức nào chăng nữa cũng đều dựa trên các nguyên tắc Nhà nước quản lý.

Còn Nhà nước không phải bỏ tiền mà cá nhân sẵn sàng bỏ tiền, tôi nghĩ đây là điều rất đáng ủng hộ, thậm chí phải có chính sách để hỗ trợ cho tư nhân để họ có nguồn lực, tự bỏ ra, tự tính toán và tự thu hồi.

Giao một số tiền lớn như vậy cho đơn vị tư nhân, ở góc độ kinh tế theo đại biểu có những lợi ích như thế nào và điều gì đáng lo ngại cần phải có cơ chế kiểm soát?

– Bây giờ chúng ta đang tính đến phương án đầu tư công, có nghĩa là phải bỏ ra một lượng vốn ngân sách cho công trình đó. Nếu như có một nhà đầu tư tư nhân sẵn sàng nhận làm công trình với tiêu chuẩn chất lượng, công năng hoạt động, tính chất lan tỏa giống, thậm chí không thể thấp hơn của đầu tư công đã thiết kế. Tôi nghĩ rằng, không có lý do gì chúng ta không giao việc đó cho một nhà đầu tư tư nhân.

Vấn đề là cả trong đầu tư công, bỏ tiền ra thì cần phải kiểm soát xem tiền có vào đúng công trình hay không. Bây giờ cho nhà đầu tư tư nhân vay thì cũng phải kiểm soát xem luồng tiền ấy có đúng đi vào các công trình như chúng ta mong muốn hay không, chứ không phải là cứ đưa tiền cho họ rồi mang tiền đấy đi làm bất kể ở đâu.

Vấn đề khác nhau ở chỗ, nếu đầu tư công thì phải kiểm soát đến từng đồng, từng chi tiêu thực hiện trong tuân thủ về giám sát, đấu thầu, lên các định mức chi phí cho từng đồng mua vật tư, nguyên liệu. Còn với nhà đầu tư tư nhân thì họ tự quản lý, quyết định việc đó. Nhà nước chỉ quản lý tổng thể xem sản phẩm, công trình đó có thực hiện theo đúng yêu cầu, tiêu chuẩn, quy định được đặt ra hay không.

Nếu Nhà nước và đồng ý cho VinSpeed vay ưu đãi vượt mức quy định liệu điều này có tạo ra tiền lệ không công bằng giữa các doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực?

– Như tôi vừa nói, ở đây không phải tự nhiên chúng ta cho một doanh nghiệp tư nhân được vay vốn với một ưu đãi vượt quá quy định. Nếu như trong một hoạt động kinh doanh thông thường mà đặt ra những vấn đề đó thì rõ ràng đấy là một điều không công bằng.

Nhưng bây giờ trong một dự án phải bỏ ngân sách Nhà nước để đầu tư toàn bộ, chưa thể nghĩ đến khi nào sẽ được thu hồi vốn, thậm chí có thể đặt ra phương án không bao giờ thu hồi được vốn về. Thay vào đó, nhà đầu tư tư nhân mong muốn đầu tư với lượng tiền ít hơn, tạm thời Nhà nước không phải bỏ ra mà cho doanh nghiệp vay, sau đó họ hoàn lại. Đứng về mặt tài chính thì rõ ràng mang lại hiệu quả hơn cho ngân sách chứ không thiệt hại cho ngân sách. Đây chỉ là sự hỗ trợ của Nhà nước để giúp cho các doanh nghiệp tư nhân làm thay phần của Nhà nước.

Ngoài ra, ở các lĩnh vực khác, Nhà nước đáng lẽ phải đầu tư nhưng có doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng đứng ra để đảm nhận thì điều này rất cần khuyến khích. Đặt trong bối cảnh chúng ta đang thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân để chung tay cùng Nhà nước đảm nhận các mục tiêu phát triển của xã hội, không phải tất cả mọi thứ đều cứ phải dồn vào Nhà nước và đầu tư công. Tăng cường vai trò xã hội hóa sẽ tạo ra động lực phát triển nhanh hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn.

Trong trường hợp dự án không đạt được hiệu quả như kỳ vọng, theo đại biểu Nhà nước có thể làm gì để có thể kiểm soát rủi ro cũng như là bảo vệ tài sản công từ khoản vay không lãi lớn?

– Mục tiêu đầu tư tuyến đường sắt là phải hoàn thành. Còn hiệu quả của đầu tư tuyến đường sắt này cũng đã được đánh giá khi Quốc hội thông qua dự án. Cho nên, chúng ta đã lường trước được tất cả những điều đó. Bây giờ không thể nói rằng dự án này đầu tư xong không mang lại hiệu quả. Nếu như không mang hiệu quả thì cần phải xét lại toàn bộ quá trình mà chúng ta đang triển khai có sai lệch gì không?

Trong những trường hợp đặc biệt, thực sự không hiệu quả vì những lý do thực sự khách quan, rủi ro thì sẽ phải tính đến những yếu tố, giải pháp để thích ứng với rủi ro.