Theo đánh giá của Tổ chuyên gia, hồ sơ dự thầu của Tập đoàn Sơn Hải vấp phải rào cản kỹ thuật, dẫn đến việc bị đánh giá không đạt dù là nhà thầu có giá tham dự đạt tỷ lệ tiết kiệm tốt nhất.

Như trước đó Dân Việt thông tin, trong 5 nhà thầu tham dự Gói thi công cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, đoạn qua địa phận Bình Phước (Gói cao tốc HCM-TDT-CT), thì có tới 4 nhà thầu bị loại với những lý do tương tự nhau.

Nói riêng về Tập đoàn Sơn Hải, nhận định của Tổ chuyên gia tại báo cáo đánh giá cho thấy E-HSDT (hồ sơ dự thầu) của Công ty đã vấp phải rào cản kỹ thuật, dẫn đến việc bị đánh giá không đạt trong quá trình xét thầu, dù đây là nhà thầu có giá tham dự đạt tỷ lệ tiết kiệm tốt nhất.

Vậy Tổ chuyên gia thuộc Công ty Cổ phần Tư vấn Văn Phú (đơn vị được thuê đánh giá hồ sơ dự thầu) đã nhận xét điều gì khi đánh giá hồ sơ dự thầu của Tập đoàn Sơn Hải?

Lo ngại về tính minh bạch

Theo E-HSMT (hồ sơ mời thầu), yêu cầu về vật tư thiết bị mỗi loại vật tư, vật liệu, thiết bị dự thầu phải được kê khai cụ thể nhãn mác, mã hiệu (nếu có), và xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không được ghi chung chung hay dùng từ “tương đương”. Hơn nữa, những vật tư, thiết bị lắp đặt vào công trình phải đạt chuẩn chất lượng về hợp quy, hợp chuẩn.

Nội dung hồ sơ mời thầu nhấn mạnh: “Nếu không đạt yêu cầu này xem như là không đạt về mặt kỹ thuật và sẽ bị loại”.

Tại báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu của Tập đoàn Sơn Hải, Tổ chuyên gia cho rằng rằng có 9 loại vật tư, vật liệu, thiết bị chính thuộc hạng mục đường dây trung thế và trạm biến áp mà Tập đoàn Sơn Hải không chào thầu, không chỉ định cụ thể ký hiệu, mã hiệu. Đồng thời, không cung cấp hồ sơ tiêu chuẩn chất lượng cho những loại vật tư này, khiến việc đánh giá tính đáp ứng trở nên khó khăn.

Với loại dây cáp điện, dù hồ sơ dự thầu của Sơn Hải có kèm theo catalogue chứa nhiều sản phẩm, tuy nhiên nhà thầu lại không chỉ định một ký hiệu, mã hiệu hàng hóa cụ thể để dự thầu.

Theo Tổ chuyên gia, sự thiếu rõ ràng này gây khó khăn cho bên mời thầu trong việc đánh giá tính đáp ứng vật tư theo yêu cầu hồ sơ mời thầu ngay từ đầu.

“Nếu Sơn Hải trúng thầu, việc nghiệm thu và đối chiếu vật tư trước khi đưa vào thi công sẽ không có cơ sở, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và tính minh bạch của dự án”, báo cáo đánh giá nhận xét.
Sau khi đánh giá về kỹ thuật, 4 nhà thầu bị tính điểm không đạt. Ảnh chụp màn hình
Kể từ năm 2023, theo Quyết định số 258/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các công trình cấp I, cấp đặc biệt sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Trong đề xuất kỹ thuật dự thầu, ở biểu tiến độ huy động nhân sự, Tập đoàn Sơn Hải mặc dù có nhắc đến tiến độ huy động nhân sự thực hiện BIM, nhưng nhà thầu lại không trình bày công tác tổ chức thực hiện và triển khai BIM một cách cụ thể.

Theo đó, hồ sơ mời thầu của Sơn Hải không thể hiện nhiệm vụ thực hiện BIM trong quá trình thi công; các bảng biểu mô tả kế hoạch tổ chức quản lý gói thầu, tiến độ bàn giao sản phẩm, hồ sơ chất lượng hay các báo cáo đều không đề cập đến công việc liên quan đến BIM.

Dù BIM là hoạt động bắt buộc trong quản lý hồ sơ thi công, hồ sơ chất lượng và hoàn công, Tập đoàn Sơn Hải lại không trình bày cách thức triển khai. Thêm vào đó là thiếu tiến độ thực hiện BIM và không thuyết minh tiến độ này trong suốt quá trình thi công.

“Nhà thầu có biện pháp bảo đảm chất lượng, tuy nhiên chưa đề cập nội dung thực hiện BIM trong quá trình thi công đặc biệt là ứng dụng trong quản lý chất lượng công trình, quản lý hồ sơ chất lượng công trình; hồ sơ hoàn công công trình”, báo cáo của Tổ chuyên gia nêu.

Cho rằng nhà thầu thiếu trung thực

Về máy móc, thiết bị xây dựng phục vụ thi công, nhà thầu không chỉ phải cung cấp giấy chứng nhận đăng ký, hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp mà còn cần có giấy chứng nhận kiểm định theo quy định cho từng loại xe máy, thiết bị.

Theo Báo cáo đánh giá, trong hồ sơ dự thầu ban đầu của Sơn Hải, có 12 loại thiết bị không có tài liệu kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hoặc giấy chứng nhận kiểm định phù hợp với quy định hiện hành. Bên mời thầu đã gửi văn bản làm rõ và đề nghị Sơn Hải bổ sung.


Tuy nhiên, Tập đoàn Sơn Hải khẳng định rằng “12 thiết bị nêu trên của chúng tôi đều có giấy chứng nhận kiểm định theo quy định” nên không đồng ý thay thế, và chỉ bổ sung thêm các thiết bị khác.

Sau khi kiểm tra, đánh giá và tham vấn ý kiến từ cơ quan chuyên môn, Tổ chuyên gia đưa ra kết luận 12 thiết bị dự thầu ban đầu của Sơn Hải kèm theo các tài liệu kiểm định đều không phù hợp quy định, không hợp pháp.

Không những vậy, Tổ chuyên gia còn cho rằng việc nhà thầu cung cấp thông tin, tài liệu không khách quan trong hồ sơ dự thầu, nhằm làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, vốn là một lỗi khá nghiêm trọng trong hoạt động đấu thầu.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Đinh Tiến Hải, đại diện Ban Quản lý dự án, đã lên tiếng về việc Tập đoàn Sơn Hải không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của gói thầu.

Ông Hải cho biết, quy trình chấm thầu được thực hiện nghiêm ngặt theo quy định, với việc đánh giá các yêu cầu kỹ thuật trước khi xem xét giá dự thầu. Ông Hải nhấn mạnh, kết quả chấm thầu đã được đăng tải công khai trên mạng, rất rõ ràng và minh bạch.

Cuối cùng, ông Hải cho biết đã chỉ đạo bộ phận chuyên trách tiếp nhận thông tin và xử lý. Tổ chuyên gia chấm thầu sẽ kiểm tra lại theo kiến nghị của nhà thầu và báo cáo UBND tỉnh theo đúng quy định của pháp luật.

Ngày 26/5, Tập đoàn Sơn Hải đã gửi công văn 179/CV-TĐSH tới Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Phước về kết quả gói thầu cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành (đoạn qua Bình Phước).

Theo đó, Gói thầu trị giá hơn 880,7 tỷ đồng có 5 nhà thầu tham gia. Sơn Hải đưa ra giá dự thầu thấp nhất (732,2 tỷ đồng, tiết kiệm 16,8%), trong khi Liên danh cao tốc HCM-TDM-CT trúng thầu với giá cao nhất (866,4 tỷ đồng, chỉ tiết kiệm 1,6%).

Dù bị loại với lý do không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, nhưng Tập đoàn Sơn Hải khẳng định đã hoàn thành nhiều dự án lớn hơn, cam kết bảo hành 10 năm và đưa ra giá thấp nhất, nhưng không được chọn. Tập đoàn Sơn Hải cũng cho rằng kết quả gói thầu ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp.