Trong lần đi câu cá kiếm thức ăn cho cả nhà, cậu bé 15 tuổi bất ngờ bị phóng điện cao thế. Sau hơn 1 tháng chạy chữa tích cực, tính mạng cậu bé được giữ lại, nhưng cánh tay phải đã không còn…
Một buổi trưa hè oi ả tại khoa Điều trị bỏng trẻ em, Bệnh viện Bỏng Quốc gia, tôi đã gặp cậu bé người dân tộc Dao 15 tuổi tội nghiệp – em Triệu Đình Hân (trú ở thôn Lũng Danh, xã Liêm Thủy, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn). Được tận mắt chứng kiến những gì Hân đang phải chịu đựng, tôi không khỏi xót xa và ái ngại cho tương lai cậu bé nghèo khó này.
Nhân ngày được nghỉ học, cậu học trò lớp 9 ra suối câu cá nhằm cải thiện bữa ăn cho gia đình, thì bất ngờ gặp nạn.
Cú phóng điện kinh hoàng đã để lại di chứng hầu khắp cơ thể cậu bé.
Cú phóng điện kinh hoàng từ hơn 1 tháng trước, đã để lại dấu tích khắp cơ thể cậu bé: Vùng ngực, lưng, tay, chân có chỗ đã lên da non loang lổ, có chỗ vẫn còn quấn băng trắng toát. Đau lòng nhất là cánh tay phải của Hân đã không thể giữ lại được.
Dù đã tìm mọi cách để có thể bảo tồn cánh tay cho em, nhưng do dòng điện cao thế phóng trực tiếp gây hoại tử, các bác sĩ buộc phải làm phẫu thuật cắt cụt tới gần khớp vai, giờ dịch vàng vẫn chảy thấm đẫm cả băng gạc. Mất đi một cánh tay, tương lai cậu học sinh học lớp 9 trở nên mịt mờ hơn bao giờ hết!
Mỗi khi trở mình, gương mặt cậu bé lại nhăn nhó, méo xệch đau đớn. Hai tay bó gối ngồi ngủ gục ngay bên giường bệnh của con, chị Lý Thị Hồng (42 tuổi) chưa có được một giấc ngủ trọn vẹn từ hơn một tháng nay.
Đau lòng nhất là cánh tay phải bị cắt cụt tới gần khớp vai.
Ngước lên gương mặt hốc hác, tiều tụy giọng chị Hồng nghẹn lại: “Hôm ấy là ngày 5/5, do được nghỉ học, cháu nó xin phép ra con suối gần nhà câu cá để kiếm thức ăn cho cả nhà. Thằng bé mới đi được một lát, thì em thấy tiếng kêu thất thanh rồi tiếng mọi người hô hoán…
Linh cảm có chuyện chẳng lành xảy ra với thằng bé, em vội chạy ra thì thấy con em nằm bất tỉnh bên bờ suối, mặt mũi ám khói đen sì, quần áo cháy xém vẫn còn đang bốc khói. Sao ông trời lại nỡ hành hạ con em như thế!…”, người mẹ bật khóc nấc trong nỗi đau đớn khôn cùng.
Gia cảnh vốn nghèo khó, con trai bất ngờ gặp nạn “thập tử nhất sinh” đã hơn một tháng nay lấy “bệnh viện là nhà”, gia đình chị Hồng lập tức rơi vào túng quẫn.
Đưa bàn tay nứt nẻ lên ngang mặt lau đi những giọt nước mắt đang chảy dài, chị Hồng bùi ngùi kể tiếp: Ở vùng núi cao, cuộc sống của gia đình 5 nhân khẩu chủ yếu dựa vào mấy sào ngô nương cằn cỗi và công việc vác gỗ thuê của người chồng. Cho dù cả 2 vợ chồng lam lũ, quần quật từ sáng sớm tới tối mịt, thì gia đình chị Hồng luôn trong cảnh ăn bữa sáng, lo bữa tối.
Khi con trai bất ngờ gặp nạn thập tử nhất sinh, đã hơn tháng nay lấy “bệnh viện là nhà”, gia đình nghèo khó người dân tộc Dao này lập tức rơi vào cảnh túng quẫn không lối thoát.
“Trong nhà em chẳng có lấy một đồng, hôm đưa thằng bé đi bệnh viện huyện cấp cứu, em phải vay nóng cả xóm được 3 triệu. Từ bệnh viện tỉnh các bác ấy chuyển con em về Hà Nội ngay trong đêm.
Chi phí chạy chữa, lắp tay giả cho con, chị Hồng không biết trông ngóng vào đâu!
Các bác sĩ bảo tình trạng con em phải chạy chữa lâu dài, với chi phí lớn, sau này còn lắp tay giả cho cháu nữa. Giờ nhà em không biết trông ngóng vào đâu! Các bác, các cô ơi giúp cháu nó với!…”, mắt ứa lệ, người mẹ nghèo chấp 2 tay trước ngực cầu xin.
Nói về tình trạng của Hân, bác sĩ Đoàn Chí Thanh, khoa Điều trị bỏng trẻ em, Bệnh viện Bỏng Quốc gia cho biết: “Cháu Hân bị bỏng do dòng điện cao thế, diện tích bỏng 25% (10%) độ II, III, IV, V, vùng ngực, lưng, tay phải và hai chân.
Do mức độ nghiêm trọng của tổn thương, chúng tôi đã phải phẫu thuật cắt cụt 1/3 trên cánh tay phải sớm cho bệnh nhân, hiện phần mỏm cụt vẫn đang bị hoại tử, chưa nói trước có bảo tồn được không. Đối với một bệnh nhân 15 tuổi, đây là phẫu thuật tương đối nặng nề, về cả mặt tâm lý và mặt bệnh lý.
Mất đi cánh tay phải, cậu bé đang học lớp 9 đang phải đối diện với một tương lai mịt mờ hơn bao giờ hết.
Có thể nói, hiện tại bệnh nhân đã qua giai đoạn nguy hiểm đến tính mạng, nhưng tổn thương vẫn còn phức tạp và cần theo dõi sát. Thời gian điều trị cho em sẽ kéo dài và tốn kém (bao gồm thời gian điều trị vết thương và điều trị phục hồi chức năng). Được biết hoàn cảnh gia đình cháu Hân rất khó khăn, nên chúng tôi rất mong bạn đọc Dân trí giúp đỡ cho em, để em được tiếp tục điều trị tích cực. Nếu có kinh phí, thì sau này sẽ lắp tay giả cho em…”, bác sĩ Thanh nói.